Cách phòng tránh những bệnh dễ mắc phải trong thời gian thai kỳ

Đối với những bà mẹ mang thai, sức khỏe luôn là vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Vì thế, khi có biểu hiện khác lạ trong người, các chị em thường thấy bất an và lo lắng. Nhưng thực tế, một số căn bệnh dễ mắc phải trong thai kỳ mà mẹ bầu nào cũng nên biết để phòng tránh như sau: 


Cách phòng tránh những bệnh dễ mắc phải trong thời gian thai kỳ


Táo bón

Táo bón là bệnh mà hầu hết mẹ bầu nào cũng mắc phải. Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị táo bón là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể kết hợp cùng với sự phát triển của thai nhi ngày càng lớn gây chèn ép các cơ quan trong ổ bụng.



Ngoài ra, việc uống bổ sung sắt khi mang thai tuy có thể ngăn ngừa thiếu máu nhưng ngược lại sẽ dẫn đến chứng táo bón. 


Để ngăn ngừa chứng táo bón, mẹ bầu nên:

– Chăm chỉ uống nước, ít nhất 8 ly nước mỗi ngày.

– Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây, ngũ cốc…

– Bổ sung nước táo và mận khô trong thực đơn vì đây được xem là thuốc nhuận tràng tự nhiên đối với những mẹ bầu bị táo bón.


Tiêu chảy

Trong khi một số mẹ bầu gặp phiền phức với táo bón thì số còn lại sẽ phải đối mặt với tình trạng tiêu chảy. Triệu chứng này có thể là hậu quả của việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, hoặc do việc uống bổ sung vitamin. Ngoài ra, vệ sinh ăn uống cũng có thể là nguyên nhân gây tiêu chảy khi mang thai.




Nếu có dấu hiệu tiêu chảy, bà bầu cần:

– Đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân cũng như cách điều trị kịp thời. Không tự ý uống thuốc, bởi một số loại thuốc điều trị tiêu chảy có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi.

– Bổ sung nước bằng cách uống nước đun sôi để nguội, không nên uống các loại nước ép, nước ngọt có ga vì chúng sẽ gây hại cho thai nhi và làm tình trạng bệnh thêm nặng.

– Bổ sung thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây, ngũ cốc, bánh quy…

Cao huyết áp

Bệnh cao huyết áp có 2 dạng: cao huyết áp mãn tính hoặc cao huyết áp thai kỳ. Với những mẹ bầu bị cao huyết áp thai kỳ, bệnh thường xuất hiện vào tuần thứ 20 và biến mất sau khi sinh 6 tuần.

Dù ở trường hợp nào, cao huyết áp khi mang thai cũng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như: sảy thai, sinh non, tổn thương thận. Nguy hiểm nhất có thể gây tiền sản giật và sản giật.

– Hạn chế ăn mặn, đồng thời giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày, nhất là những mẹ bầu có tiền sử huyết áp mãn tính, mẹ bầu trên 40 hoặc phụ nữ béo phì, thấp khớp, tiểu đường, có bệnh thận, mang đa thai.

– Tập một số bài thể dục nhẹ nhàng khi mang thai.

– Tránh xa đồ uống có cồn, chất kích thích và thuốc lá, cũng như cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.


Cảm cúm

Mẹ bầu bị cảm cúm ở những tháng đầu thai kỳ sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm đối với thai nhi.Virus cúm khi xâm nhập vào cơ thể mẹ có thể khiến mẹ bị sảy thai, thai chết lưu hoặc dị tật thai nhi. Đặc biệt là ở thời điểm giao mùa như hiện nay, bà bầu càng có nguy cơ bị cảm cúm cao nếu không chủ động phòng ngừa.

– Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C như cà chua, súp lơ,ớt, quýt, dâu tây, quả kiwi, dưa hấu, nho,… Ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm như hải sản, thịt nạc, hạt hướng dương và các loại đỗ,..

– Hạn chế tiếp xúc với chỗ đông người hoặc những người đang mắc bệnh cúm.

– Chú ý giữ ấm cơ thể, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

– Uống đủ nước mỗi ngày. Uống nước đầy đủ có tác dụng phòng cúm và viêm họng, mỗi ngày nên uống từ 600 – 800 ml nước.

– Tiêm phòng cúm: đây là cách đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm khi mang thai. Trước khi quyết định có con, các mẹ nên chủ động tiêm phòng cúm để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh ở những tháng đầu thai kỳ.



Tiểu đường thai kỳ

Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất insulin, gây thiếu hụt không đủ để chuyển hóa glucose, dẫn đến tồn đọng glucose trong máu gây tiểu đường.

Tiểu đường thai kỳ thường biến mất sau khi sinh. Tuy nhiên nếu đã từng bị tiểu đường trong lần trước đó, nguy cơ tái phát sẽ cao hơn trong lần mang thai tiếp theo.

– Hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa carbonhydrate dạng đơn giản, các loại bánh ngọt, kẹo, món ăn nhiều đường, bởi thực phẩm này sẽ làm tăng lượng đường trong máu của mẹ bầu. Thay vào đó, nên tăng cường carbonhydrate phức tạp và ít chất béo bão hòa.

– Ăn nhiều chất xơ.

– Tuyệt đối không nên bỏ bữa. Thay vào đó, bầu nên ăn một lượng thực phẩm vừa đủ trong mỗi bữa, đều đặn.



Viêm nhiễm âm đạo 


Trên thực tế có rất nhiều mẹ bầu bị viêm nhiễm âm đạo trong thai kỳ. Nguyên nhân là do sự cân bằng tự nhiên của các loại vi khuẩn trong âm đạo bị phá vỡ.

Có 4 loại nhiễm trùng phổ biến và gây ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khỏe bà bầu: viêm âm đạo do vi khuẩn, nhiễm trùng nấm men, viêm âm đạo trichomoniasis và nhiễm strep B âm đạo.

– Tránh mặc quần áo ẩm ướt, đặc biệt là đồ lót. Sau khi tắm hoặc đi bơi, bầu nên thay đồ lót sạch. Ưu tiên quần lót có chất liệu cotton, thoáng mát.

– Khi vệ sinh vùng kín nên lau từ trước ra sau, tránh để vi khuẩn từ hậu môn có cơ hội tiếp cận cô bé.

– Đi khám bác sĩ ngay khi phát hiện triệu chứng bất thường: ngứa, rát, huyết trắng có màu, mùi lạ… Tùy theo từng loại viêm nhiễm, bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.

– Nếu bị nấm âm đạo, mẹ bầu nên hạn chế thực phẩm nhiều đường, bởi đường là thức ăn cho các loại nấm. Đồng thời, mẹ bầu nên ăn nhiều sữa chua. Nghiên cứu cho thấy ăn sữa chua cũng có tác dụng ngăn ngừa nấm phát triển. 

Mẹ bầu hãy trang bị cho mình thêm những kiến thức bổ ích và cần thiết về ăn uống và bảo vệ sức khỏe để tránh khỏi những căn bệnh dễ xảy ra tỏng thai kỳ. Bởi vì khi mang thai chúng ta không thể tùy tiện sử dụng thuốc nên việc phòng bệnh là việc nên làm hơn cả.
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét